Giới thiệu chung Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trần Quốc Hoàn
Là hệ thống trường chất lượng cao bao gồm 2 trường:
- Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy
- Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy
Trường tọa lạc trên diện tích 7100m2 tại số 6 Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Trường bao gồm 4 tòa nhà 7 và 9 tầng phục vụ cho hơn 3000 học sinh hằng ngày trong tuần.
Chủ tịch Hội đồng Quản Trị - Nhà sáng lập của trường là Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, sinh ngày 04/01/1946. Thày đã có 14 năm phục vụ trong quân đội, 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Thày có 20 năm giảng dạy ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội(1966-1975), là chuyên gia về phương pháp dạy học, có trên 22 năm làm công tác quản lí nhà trường từ cương vị hiệu phó đến Hiệu trưởng. Ngoài ra, Hội đồng Quản trị còn có Nhà giáo Nguyễn Thu Hòa và Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiếu. Hiệu trưởng trường THCS&THPT là Nhà giáo Đàm Tiến Nam và 2 phó hiệu trưởng là nhà giáo Nguyễn Đức Hiếu và Hà Ngọc Thủy. Hiệu trưởng trường Tiểu học là thày Vũ Ngọc Phương cùng 2 hiệu phó là cô Lê Kiều Dung và cô Nguyễn Thu Hà.
Trường được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1993, theo quyết định thành lập trường có tên là trường phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Bỉnh Khiêm do nhà giáo dục – tiến sỹ Nguyễn Văn Hòa làm chủ. Từ năm 2005 Sở giáo dục Hà Nội thống nhất đổi tên thành trường Trung học phổ thông Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm và theo quyết định số 218/ QĐ-UBND ngày 13 tháng 1 năm 2011 của UBND thành phố Hà Nội, trường THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm được chuyển đổi từ loại hình trường dân lập sang loại hình trường tư thục, có tên là trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy gồm 2 cấp: Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, dạy học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.
Trường thuộc loại hình trường ngoài công lập. Ngay từ năm đầu thành lập, trường đã xác định mục tiêu là trường bán trú (100% học sinh ngày học 02 buổi, ăn và nghỉ trưa tại trường). Từ năm 1993 đến 1996, trường phải thuê mượn địa điểm. Từ năm 1996 đến năm 1999, trường đã tự lực xây dựng trường theo phương án lâu dài của dân làm trường. Năm 2002, trường được thành phố giao 7100m2 đất tại phố Trần Quốc Hoàn. Trong 2 năm 2004- 2005, trường đã đầu tư vốn của chủ đầu tư và vay vốn ngân hàng để tự giải phóng mặt bằng 7100m2 đất được cấp, xây dựng trường mới với 4 tòa nhà 4 tầng và 1 tầng hầm.
Do có cơ sở vật chất mới và hiện đại cùng với uy tín về chất lượng, từ năm 2005 đến năm 2009, trường đã phát triển những bước vững chắc. Từ năm 2009 đến nay luôn giữ ở mức 2400 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Tháng 5 năm 2006 trường THPT Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy được công nhận là trường chuẩn Quốc gia.
- Từ năm 2000 đến 2006: trường 3 lần vinh dự được UBND thành phố cấp bằng khen
- Năm 2009: trường được chính phủ tặng bằng khen
- Tháng 11/2010: đón nhận huân chương lao động hạng 3
Năm 2007, trường thành lập trường Tiểu học Quốc tế Tương lai, sau đổi thành Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy.
Cùng năm đó, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà nội cho phép thực hiện thí điểm mô hình cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao. Thực hiện phương châm giáo dục học đi đôi với hành, trường đang triển khai mô hình xây dựng Trung tâm giáo dục hướng nghiệp và lao động sản xuất để làm nơi giáo dục học sinh lao động, dạy kĩ năng sống, đưa học sinh gần với lao động sản xuất và đời sống xã hội. Từ năm 2009, trường đã xây dựng Trung tâm giáo dục hướng nghiệp và lao động sản xuất tại xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến năm 2016, trung tâm chính thức đổi tên thành Trung tâm Trải nghiệm và Sáng tạo Vĩnh Yên – thuộc Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy. Trung tâm là nơi đón hơn 200 học sinh mỗi ngày lên hoạt động trải nghiệm với các môn học vô cùng thực tế và có tính thực hành cao như: chế tạo, pha chế, nấu ăn, giá trị sống, sinh học, sản xuất nông nghiệp, bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn và võ tự vệ. Ngoài ra, không dừng lại ở đó, trường đã đầu tư và xây dựng thêm một trung tâm Trải nghiệm khác tại Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội. Đây là nơi phục vụ các con học sinh tiểu học lên trải nghiệm và hoạt động sản xuất. Trung tâm Trải nghiệm Hoài Đức đặt mục tiêu phát triển theo hướng công viên trường học. Điểm đặc biệt đó chính là thực phẩm sạch từ 2 trung tâm này sẽ được cung cấp cho các con học sinh tại trường.