Siêu ưu đãi đầu năm chỉ có trên KiddiHub

Giảm 100% học phí tháng đầu
0 giờ : 0 phút : 0 giây
Tìm kiếm bài viết

Bài giảng đặc biệt: Cách nuôi dạy con tích cực của bố

Đăng vào 12/05/2023 - 08:00:00

297

Mục lục

Xem thêm

Bài giảng đặc biệt: Cách nuôi dạy con tích cực của bố

Số liệu cho thấy 70% các bậc phụ huynh đánh con. 60% phụ huynh tin rằng "đánh con là cách kỷ luật cần thiết" (Khảo sát Nuôi dạy con cái năm 2011). Ở Nhật Bản, vẫn còn nhiều người lớn coi việc "đánh" hoặc "sử dụng vũ lực" đối với con cái là điều bình thường.

Có nhất thiết phải sử dụng vũ lực để rèn giũa con cái??

Có rất nhiều thắc mắc xoay quanh việc kỷ luật con cái. 'Rèn giũa' thực chất là gì? Nhiều người lớn vẫn đang nghĩ rằng kỷ luật là điều cần thiết, rằng phải nghiêm khắc thì con trẻ mới có thể trưởng thành.

Nhiều lúc người mẹ phải chịu áp lực từ những người xung quanh, ví dụ như khi bố bảo cần nghiêm khắc với con hơn, hay khi bà nội bảo 'yêu cho roi cho vọt'. Kể cả khi không muốn đánh con, người mẹ sẽ cảm thấy mình đang chiều hư con, và chuyển sang dạy con bằng vũ lực. Ngoài ra, người mẹ sẽ bị người khác coi là không biết dạy con khi đứa trẻ làm ồn ở nơi công cộng, nên họ tin rằng nếu đánh con thì con sẽ vâng lời.

Không được để bố đánh con 

Con trai thường có xu hướng bị kỉ luật nghiêm khắc hơn so với con gái, nên có rất nhiều người đàn ông lớn lên từ việc dạy dỗ bằng vũ lực. Nhiều ông bố cho rằng vì bản thân bị đánh lúc còn nhỏ, họ nên làm điều tương tự với con mình khi chúng không nghe lời. Việc dạy con bằng vũ lực thường bị ảnh hưởng bởi thế hệ trước. Nhiều lúc, các mẹ còn yêu cầu bố đánh con.

Tất nhiên, cha mẹ cần nói rõ cho con biết việc làm ảnh hưởng đến người khác là 'hư', là 'không tốt', nhưng không nhất thiết phải sử dụng vũ lực để cho con biết điều đó. Con trẻ thường rất sợ bị đánh, nhất là khi bị đánh nhiều lần kèm theo câu 'Sao nói mãi mà mày không hiểu thế?' bởi người lớn. Những hành động đẹp không thể đến từ việc bị đánh đập được.

Ví dụ, nội quy quy định rằng 'không được chạy trên hành lang'; nếu ai chạy thì người đó sẽ bị đánh vì không tuân thủ nội quy. Điều này nghe hơi kỳ lạ phải không? Nếu so sánh giữa 'chạy' và 'đánh' thì bạn sẽ thấy ngay.

Đôi khi các bậc cha mẹ hay 'giận cá chém thớt' với con. Cùng một hành động, nhưng khi tâm trạng vui vẻ thì chỉ cười cho qua: 'Nó lại làm thế rồi, haha', còn lúc khó chịu thì lại quát 'Sao mày lại làm thế nữa hả??' . Đứa trẻ bị đánh thì không hiểu mình đã làm gì sai. Nếu đánh mắng mãi mà con không nghe thì sẽ còn đánh nhiều lần hơn nữa. Điều này có thể gây thương tích cho con, vì vậy cả bố và mẹ cần thống nhất với nhau về việc 'không được đánh con'.

Bạn muốn con mình trở thành người thế nào?

Bạn muốn con mình trở thành người thế nào khi nó 20 tuổi? Chắc hẳn mỗi ông bố, bà mẹ trên khắp thế giới đều mong muốn những điều giống nhau: Muốn con trở thành người có nghị lực, có ích cho xã hội, có thể thực hiện được ước mơ của mình, v.v.

Có những lúc con đang chơi vui thì bị bạn khác đến giành đồ chơi. Những lúc như vậy, nhiều ông bố bà mẹ sẽ bắt con chia sẻ đồ chơi của mình. Đến khi hai đứa bắt đầu tranh giành, các bố mẹ thường doạ đánh con, hoặc đánh con luôn để con không tranh giành với bạn nữa.

Vậy thử đối chiếu với hình mẫu mà bạn muốn con mình trở thành xem; liệu đây có phải cách đúng đắn để dạy con không? Đối với các bé, cho bạn mượn đồ chơi yêu thích của mình không phải là điều dễ dàng gì. Cũng như một người đang đọc sách thì người khác muốn mượn nhưng lại không đưa cho họ ngay được. Kể cả khi người đó bị ép phải cho mượn hoặc bị đe doạ bằng vũ lực, đó vẫn không được coi là hành động tự nguyện.

Nếu nói "không" bằng cách dùng vũ lực, con sẽ nghe lời để tránh bị đánh, nhưng không có nghĩa là con hiểu và tự mình làm (hoặc không làm) việc đó.

Chắc hẳn các bậc cha mẹ đều mong con tự hiểu được việc gì là đúng hay sai và hành xử cho tốt, thay vì nghe lời chỉ vì sợ bị đánh.

Suy nghĩ về việc đối xử tử tế với những người xung quanh 

Thử nghĩ xem, khi nào thì mình có thể đối xử tử tế với người khác? Ví dụ, sẽ rất khó để đối xử tốt với mọi người khi bản thân có nhiều vết thương lòng, khi bị cấp trên quở trách, hay khi vợ chồng cãi nhau. Đó là vì người bị tổn thương lại đi làm tổn thương người khác.

Với con cái cũng vậy. Đầu tiên học cách đồng cảm với con. Nhường đồ chơi yêu thích của mình cho bạn là điều vô cùng khó khăn. Nếu con không biết cách biểu đạt cảm xúc, bố mẹ có thể nói đỡ cho con: ''Cái này chơi vui ha, mình chơi sắp xong rồi con ha!''. Sau đó, thử hỏi con ''Có vẻ bạn △△ cũng muốn chơi, giờ mình làm gì nhỉ?''. Nếu có thể tôn trọng cảm xúc của con, con sẽ có thể tự đưa ra quyết định tuỳ theo độ tuổi của mình, ví dụ ''Để con chơi xong rùi con cho bạn mượn''.

Những khó khăn trong quá trình nuôi dạy con trẻ cũng là cơ hội để cả bố mẹ và con có thể học cách ứng phó. Cách giải quyết sẽ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cần đồng cảm với con và để con tự suy nghĩ. Suy nghĩ cùng con cách để giải quyết thay vì sử dụng vũ lực. Qua những trải nghiệm như vậy, con sẽ càng trưởng thành một cách tích cực hơn.

“Bài giảng đặc biệt: Cách nuôi dạy con tích cực của bố” là nội dung độc quyền trong cuốn sách “Sách giáo khoa của ông bố mới (新しいパパの教科書)” của Tập đoàn Gakken Inc. Dưới đây là một số thông tin về tác giả và dịch giả tại Việt Nam của cuốn sách này:

Bài viết liên quan

Không có bài viết nào

Hiện chưa có bài viết cho chủ đề này